Huyện đảo Lý Sơn còn có tên gọi là  Cù Lao Ré -  nằm chếch về phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, có diện tích khoảng 10km2, gồm hai đảo: Đảo Lớn (Cù Lao Ré) và Đảo Bé (Cù Lao bờ bãi); 3 xã: An Hải, An Vĩnh và An Bình, với số dân khoảng 230.000 người, kinh tế chủ yếu là nghề đánh bắt hải sản và nông nghiệp trồng tỏi. Tuy nhiên, đó dường như là hai mũi nhọn kinh tế phát triển gần đây của Lý Sơn, còn kinh tế truyền thống của cư dân đảo này, theo khảo sát của chúng tôi, lại là nghề buôn bán và nông nghiệp trồng lúa cùng cây ép dầu hỗ trợ. Những hồi cố của thế hệ 70, 80 tuổi, cư ngụ tại những ngôi nhà cổ Lý Sơn, đã cho biết, họ là những thương nhân vượt biển buôn bán xa và những khuôn viên nhà – vườn, hướng không quay ra biển mà lấy trung tâm đảo làm chính, là vết sót của nông nghiệp vườn – ruộng, còn lưu lại cách đây chẳng bao xa.

Giờ đây, những cơ cấu kinh tế nêu trên đang được nghiên cứu chuyển dịch dựa trên điều kiện tự nhiên và tiềm năng di sản của huyện đảo tiền tiêu này của đất nước. Nghề đánh bắt hải sản là một định hướng phát triển nhằm tăng cường chủ quyền biển đảo, đồng thời cũng là một hướng phát triển kinh tế đầy hứa hẹn ở huyện đảo này. Nghề trồng tỏi chắc chắn sẽ bị giảm thiểu tối đa vì mâu thuẫn giữa nguồn nước ngầm dần cạn kiệt với yêu cầu nước ngọt cung cấp cho trồng tỏi lại quá lớn. Đó là chưa kể thuốc trừ sâu, cát san hô cần cho canh tác loại đặc sản này đã phá hủy ghê gớm môi trường, sinh thái đảo, mà trong mấy năm gần đây, đã có nhiều nhà khoa học cảnh báo. Vậy nên, du lịch sẽ là một định hướng phát triển kinh tế hứa hẹn, mà hai năm trở lại đây, nó thực sự khởi sắc với tốc độ khách viếng thăm tăng lên chóng mặt.


Huyện đảo Lý Sơn thành bình và thơ mộng

Vậy, điều gì đã làm cho Lý Sơn có sức hút ma lực đến vậy? Đương nhiên, đó là “hạm đội” bảo vệ chủ quyền đất nước, đó là “pháo đài” tiền tiêu hỗ trợ cho Hoàng Sa – Trường Sa mà thông tin đại chúng mấy năm trở lại đây đã tạo nên một thương hiệu mới cho Cù Lao Ré – Lý Sơn. Đó còn là tấm lòng hiếu khách của người dân đảo với sự chân thành chất phác mà ít nơi nào có được, gây một cảm tình đầy xúc động với du khách. Thế nhưng, theo tôi, Lý Sơn có những di sản thiên nhiên kỳ thú, di tích lịch sử văn  hóa hấp dẫn, đã, đang được phát hiện, hé lộ cho du khách muốn khám phá, tìm hiểu ngày một nhiều hơn.

Huyện đảo Lý Sơn đã phát hiện được 5 ngọn núi lửa đã tắt, gồm núi Thới Lới, núi Giếng Tiền, hòn Vung, hòn Sỏi, hòn Tai, được hình thành do phun trào của nham thạch núi lửa cách đây 25 – 30 triệu năm trước. Địa hình núi lửa chiếm tới 70% diện tích đảo. Núi lửa đã tạo cho huyện đảo Lý Sơn những thắng cảnh kỳ vĩ với các vách và mái đá, hang động và bãi đá chứa đựng nhiều truyền thuyết bí hiểm, hấp dẫn. Tiêu biểu nhất là các di tích miệng núi lửa có dạng hình phễu, dốc thoai thoải có những bậc đá tựa như ghế ngồi trong sân vận động Olimpic của nền văn minh Hy – La cổ đại. Bên cạnh đó là những “cổng tò vò” – một kiến tạo tự nhiên từ núi lửa, hay những ruộng bậc thang trồng tỏi, được xếp từ những viên đá của núi lửa phun trào, tạo nên một phong cảnh quyến rũ của một Đồng Văn (Hà Giang) thu nhỏ giữa đảo xa.

Bên cạnh di sản thiên nhiên, huyện đảo Lý Sơn còn đậm đặc các di tích lịch sử văn hóa, đã tạo nên cho nơi đây một quần thể vừa độc đáo, vừa đa dạng. Với diện tích 10 km2, huyện đảo Lý Sơn có 56 di tích. Như vậy, cứ 1 km2 có 5 di tích – một mật độ đậm đặc, hiếm nơi nào có được, chứ chưa nói gì tới những hòn đảo xa bờ.

Những nhà văn hóa lịch sử đã tạm chia di sản văn hóa lịch sử Lý Sơn thành những loại hình sau đây:

- Di tích khảo cổ học, ngoài báo dẫn về di tích hậu kỳ thời đại đá cũ, cách đây 30 vạn năm, thì Lý Sơn còn hai di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh nổi tiếng, đó là Xóm Ốc và Suối Chình, có niên đại cách ngày nay 3000 – 2500 với nhiều di tích văn hóa của cư dân biển đảo nằm trong tầng văn hóa mà các nhà khảo cổ học đã phát hiện.

- Lớp văn hóa tiếp theo là dấu tích Chăm Pa, có niên đại sớm nhất cách ngày nay 2000 năm và kéo dài đến thế kỷ 16, 17. Dấu ấn để lại rõ nét nhất là các đền thờ nữ thần Thiền Y ANa, đền thờ Bò (bò Na Đin trong truyền thuyết Ấn Độ giáo). Dưới nền chùa Hang – nay là chùa thờ Phật của người Việt, còn nhiều di vật Chăm Pa và rất nhiều trong số đó, được người Việt sử dụng lại làm ban thờ, đó là các bệ đá thờ của người Chăm làm bằng đá cát, có hoa văn trang trí đặc trưng của nghệ thuật Chăm Pa thế kỷ 13, 14.

- Lớp văn hóa kế tiếp là của người Việt. Đó là lớp cư dân ra khai khẩn, lập làng trên đảo vào thế kỷ 16, 17. Họ là những người dân ở làng An Hải, Sa Kỳ của huyện Bình Sơn, gồm 15 vị tiền hiền của 15 dòng họ lớn, di cư ra đảo này, để rồi để lại đến ngày hôm nay nhiều kiến trúc đình làng, nhiều ngôi nhà thờ họ, nhiều ngôi chùa, nhiều lăng, miếu, nhiều ngôi nhà cổ…mang đậm truyền thống văn hóa của người Việt vùng duyên hải. Những di tích trên đây hoặc đã được xếp hạng quốc gia, hoặc được xếp hạng cấp tỉnh, hoặc chưa được xếp hạng, nhưng tất cả, đều được gìn giữ, dẫu rằng sự phát huy của chúng chưa thật đúng tầm, ở nhiều năm về trước.

- Nhiều lớp cư dân cư trú trong nhiều nghìn năm, theo đó, đã tạo nên nhiều giá trị văn hóa phi vật thể trên huyện đảo này. Tiêu biểu nhất là “Lễ Khao lề thề lính Hoàng Sa” - gắn liền với hải đội Hoàng Sa có từ thời Vua Nguyễn, lễ hội đua thuyền tứ linh truyền thống, lễ cầu ngư, lễ tế nữ thần Thiên Y Ana, lễ xuống nghề và lên nghề Cửa Vạn, lễ ra quân đánh bắt hải sản, lễ hội các đình làng An Vĩnh và An Hải với những sinh hoạt tín ngưỡng như lễ động thổ, cầu an, lễ tế tiền hiền, lễ tế Xuân Thu nhị kỳ…


Lễ hội đầu xuân trên huyện đảo Lý Sơn

Ngoài các di tích văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống, ở Lý Sơn còn các di tích cách mạng, đó là Nhà Pha (nhà tù), nay là ngọn Hải đăng, mà trước đây người Pháp đã giam giữ những người dân nổi dậy chống chúa Đảo, hay nhiều tàn tích các tàu cổ bị đắm chìm, khi hòn đảo này đã từng là điểm dừng chân của những tàu buôn, trên hải trình Đông – Tây mà các nhà nghiên cứu thương mại thế giới mệnh danh là “con đường tơ lụa trên biển”, “con đường gốm sứ trên biển” qua hàng chục thế kỷ. Những tàn tích ấy đã, đang và sẽ được phát hiện ngày một nhiều hơn, sẽ là một điểm tham quan dưới biển kỳ thú cho du khách.

Bảo tàng Trường Sa – Hoàng Sa là một công trình hiện đại, nhưng cũng là một điểm đến hấp dẫn của du khách, nếu muốn tìm hiểu về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Tiềm năng du lịch biển đảo Lý Sơn được trình bầy tóm tắt trên đây, hẳn chưa nói được nhiều điều vè tính hấp dẫn của nó, vì chưa đi sâu thuyết minh từng địa điểm, từng vấn đề, từng chi tiết trên một nền cảnh địa chính trị, địa quân sự, địa văn hóa, địa kinh tế… của vùng đất này của Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung. Dẫu là chưa đủ như thế, nhưng du khách đã tăng lên gấp cả chục lần trong mấy năm gần đây. Sức nóng ấy có thể coi là một sự khởi đầu đáng ghi nhận của du lịch Lý Sơn. Thế nhưng, đi liền với cơ hội lại là những thử thách vô cùng cam go và ác liệt đối với hòn đảo vỏn vẹn hơn mười cây số vuông mà dân số lên tới hơn hai trăm nghìn người. Thách thức ấy là gì, xin điểm qua đôi nét, bạn đọc sẽ thấy ngay được những nguy cơ đang đe dọa.

- Rừng và nước ngọt đang bị phá hủy nghiêm trọng do tăng cường diện tích trồng tỏi. Nước ngọt đã khai thác tới các túi nằm ở độ sâu vài trăm mét để tưới tỏi, khiến cho nước mặn xâm thực. Rừng bị xóa sổ từ lâu trên các núi lửa, mất đi các dòng suối. Nước ngọt không còn, đảo dễ trở thành hoang tàn do dân cư không đủ điều kiện sống.

- Sinh thái biển bị tàn phá do san hô bị khai thác tạo thành đất trồng tỏi. Thuốc sâu phun vô tội vạ để giữ tỏi, nhưng cũng làm ô nhiễm môi trường đảo. Khai thác thủy hải sản theo lối tận diệt, làm cho biển nơi đây nghèo đi trông thấy.

- Sự bùng nổ dân số trong khi quỹ đất chỉ có hạn, cộng với tập tục mai táng truyền thống đã tạo nên những “thành phố mộ”, vừa phản cảm đối với cảnh quan, vừa phá hủy môi trường nước.

- Rác thải không có nhà máy chế biến hoặc có nhưng chưa đủ đáp ứng, khiến cho biển nơi đây bị ô nhiễm rất nặng bởi những hộ gia đình, du khách xả ra hàng ngày.

Quy hoạch Lý Sơn chưa được thực hiện, trong khi yêu cầu để đáp ứng cho du khách tới viếng thăm lại đối mặt hàng ngày, buộc lãnh đạo địa phương phải có cách giải quyết tình thế. Những nhà nghỉ, khách sạn mọc lên không theo một quy hoạch nào, tự nhiên và phần nào tự phát.

- Hệ thống đường và đê chắn sóng không có nghiên cứu, che hết tầm nhìn của du khách đối với biển cả, làm mất đi nét đẹp tự nhiên của đảo – biển.

Vô số những thách thức đang đặt ra đối với Lý Sơn, nếu chính quyền địa phương các cấp không sớm can thiệp, thì tiềm năng kinh tế du lịch của hòn đảo này sẽ hoàn toàn không còn. Tôi vô cùng băn khoăn và đau thiết để viết ra những dòng này, với mong muốn cứu lấy Lý Sơn, tạo cho Lý Sơn như một viên ngọc được rũa mài tinh tế, chứ không phải là một hòn đảo đang phát triển tự phát như nó đang phát triển như ngày hôm nay./.