21/05/2020 - 02:36 PM - 430 lượt xem
Tỏi Lý Sơn đã trở thành một đặc sản có một không hai ở Việt Nam, người dân Lý Sơn ví cây tỏi là "vàng trắng" từ bao đời nay. Củ tỏi đã là “phần hồn cốt”, là biểu tượng, là mùi vị mặn mòi của biển đảo, của nắng và gió nơi quê hương Hải đội Hùng binh Hoàng Sa.
Nghề trồng tỏi đã có lịch sử gắn liền với lịch sử phát triển của đảo Lý Sơn, danh tiếng đặc sản tỏi Lý Sơn cũng được biết đến rộng rãi. Năm 2017, đặc sản tỏi Lý Sơn đã lọt vào danh sách “Top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam 2017” bởi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam. Nhắc đến Quảng Ngãi du khách thường nghĩ ngay tới địa danh Lý Sơn và đặc sản củ tỏi Lý Sơn, như một sản vật quý của vùng địa danh này. Tỏi Lý Sơn đã theo chân du khách tỏa đi khắp mọi miền đất nước, mang hương vị mặn mòi của đảo, một hương vị rất riêng của quê hương Lý Sơn.
Vùng địa danh Lý Sơn là địa chỉ du lịch biển đảo đầy tiềm năng, đang được đề xuất Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh trình UNESCO công nhận, đã gắn liền với một đặc sản bình dị nhưng khó quên đó là củ tỏi Lý Sơn. Ở Lý Sơn, đi tới đâu cũng thấy củ tỏi, tỏi ở điểm tham quan du lịch, tỏi trên bàn ăn, trong quán ăn, nhà hàng và nhiều nhất là nơi hiên nhà dân trên đảo. Củ tỏi trắng, thơm ngon làm nên từ nắng, từ cát, từ đất bazan Lý Sơn và từ những giọt mồ hôi của người dân biển cần cù chịu thương, chịu khó. Sản phẩm củ tỏi Lý Sơn đã được người nông dân bao đời gây dựng thành một thương hiệu nổi tiếng một cách rất tự nhiên, không có chủ đích.
Hình ảnh của cây tỏi Lý Sơn đã đi vào thơ văn, đã gắn với vùng địa danh biển đảo tiền tiêu này. Sau ngày thống nhất đất nước, cây bút bậc thầy về truyện ngắn và bút ký, tác giả của truyện ngắn Lặng lẽ Sapa (1970) nhà văn Nguyễn Thành Long đã xuống thuyền ra thăm đảo và tập truyện ngắn Lý Sơn, mùa tỏi (1980) đã ra đời như thế. Tập truyện ngắn Lý Sơn, mùa tỏi được xem như tác phẩm văn học đầu tiên trực tiếp khắc họa về hình ảnh cánh đồng tỏi trên đảo Lý Sơn. Thông qua tác phẩm, tỏi Lý Sơn, một sản vật của vùng biển đảo xa xôi, ngày ấy, đã được bạn đọc khắp mọi miền tổ quốc biết đến. Sau gần nửa thế kỷ từ khi tác phẩm văn học ngày ấy ra đời, hôm nay du khách đến với Lý Sơn vẫn trầm trồ ngắm nhìn những cánh đồng tỏi xanh mướt hiện diện trên hòn đảo khan hiếm nước ngọt này. Họ trầm trồ về hương vị thơm ngon của tỏi Lý Sơn, về mồ hôi và công sức của người nông dân Lý Sơn, về những thửa ruộng xanh mướt, về hình ảnh cây tỏi trên nền cát trắng bên cạnh những bức tường đá núi lửa đen xù xì, những hàng rào chắn gió bảo vệ ruộng như những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt kỳ công, mộc mạc giữa đời thường. Những hình ảnh thân quen ấy đã khắc sâu vào tâm khảm những người con Lý Sơn xa xứ, đã đi vào văn học gần nửa thế kỷ trước.
Danh tiếng và chất lượng tỏi Lý Sơn đã được khẳng định nên nổi tiếng hơn và được khách hàng ưa chuộng hơn so với các sản phẩm cùng loại khác. Đây cũng là “nguồn cơn” xuất hiện những sản phẩm mạo danh “đội lốt” tỏi Lý Sơn trên thị trường. Tỏi Lý Sơn nổi tiếng cả nước, đến nỗi đảo Lý Sơn còn được mệnh danh là “vương quốc tỏi” và tỏi ở nhiều vùng khác phải “mạo danh” tỏi Lý Sơn. Theo bài báo “Cần danh phận riêng cho tỏi Khánh Hòa” trên Báo điện tử pháp luật Việt Nam ngày 06/5/2018, thì tỏi Khánh Hòa vẫn đang phải “đội lốt” tỏi Lý Sơn trên thị trường và người trồng tỏi Khánh Hòa đang bất lực trước “tiếng xấu” “ăn cắp” thương hiệu tỏi Lý Sơn. Tình trạng sản phẩm tỏi có xuất xứ từ các vùng địa lý khác đang “đội lốt” thương hiệu tỏi Lý Sơn là một thực tế đáng báo động về SHTT nhưng cũng là một bằng chứng nhãn tiền, đầy thuyết phục khẳng định vị thế và danh tiếng vượt trội của củ tỏi Lý Sơn.