20/05/2020 - 09:03 AM - 497 lượt xem
LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG HUYỆN ĐẢO LÝ SƠN
Lễ đua thuyền tứ linh
Lễ hội đua thuyền Lý Sơn diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Có lẽ đây là lễ hội lớn nhất của cư dân vùng biển ở Quảng Ngãi nói riêng, ở Nam Trung Bộ nói chung, nếu xét ở cả các bình diện: quy mô tổ chức, thời gian tổ chức, tính liên tục (hàng năm, không bị đứt gãy), và thành phần tham gia (có hàng vạn lượt người tham gia trong suốt cả 5 ngày). Lễ hội đua thuyền Lý Sơn không chỉ là một trò diễn vui chơi giải trí, mà còn để tưởng nhớ đến các vị tiền hiền buổi đầu khai khẩn và cầu mong cho quốc thái dân an, người an vật thịnh.
Lý Sơn có tất cả 8 thuyền đua (thuyền dài khoảng 8m, mang tên 4 con vật trong tứ linh (Long, Ly/Lân, Quy, Phụng), được trang trí, chạm trổ hết sức công phu. Mỗi thuyền đua thường có 15 người, đều là nam giới, trong đó có 1 tổng lái, 1 tổng thương, 1 tổng mũi, và 12 tay chèo. Ở An Hải, tất cả thuyền đua đều thuộc của xóm, như xóm Đông có thuyền Rồng, xóm Tây có thuyền Phụng, xóm Trung Yên có thuyền Quy, xóm Trung Hòa có thuyền Lân (còn gọi là Liên). Ở An Vĩnh, tất cả các thuyền đua đều thuộc các lân, như lân An Hòa có thuyền Rồng, lân Tân Thành có thuyền Phụng, lân Vĩnh Lợi có thuyền Quy, lân Vĩnh Hòa có thuyền Lân. Mỗi thuyền đua đều được cất giữ tại các dinh miếu của xóm, của lân, chỉ đến ngày tổ chức hội đua thuyền mới làm lễ tại dinh, miếu để đưa thuyền hạ thủy. Trước khi tham dự hội đua thuyền, các tộc họ trong lân, xóm đều đến tế cáo thần linh và các bậc tiền hiền tại các dinh, miếu và đình làng. Tất cả ban tế tự, ban nhạc lễ đều ăn mặc theo lễ phục truyền thống.
Lễ hội đua thuyền Lý Sơn có 2 cấp độ: Hội đua thuyền của làng, và hội đua thuyền của huyện (2 làng). Hội đua thuyền của làng cho 4 ghe đua của làng trong 4 ngày. Mỗi ngày thuyền đua được đổi vị trí theo kiểu tiệm tiến (ngày thứ 1: Rồng – Phụng – Lân – Quy; ngày thứ 2: Quy – Rồng – Phụng – Lân; ngày thứ 3: Lân – Quy – Rồng – Phụng; ngày thứ 4: Phụng – Lân – Quy – Rồng). Sau 4 ngày đua tính điểm tổng cộng để phân biệt giải. Đường đua gồm 4 vòng 8 dạo (khoảng 2.000m).
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
Quang cảnh lễ Khao lề Thế lính hoàng Sa tại Đình làng An Hải, Lý Sơn
Hằng năm vào dịp cúng việc lề tức khoảng thời gian từ ngày 10-20 tháng 2 âm lịch, người Lý Sơn làm lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, ở Âm Linh tự vào ngày 16 tháng 3 (âm lịch).
Bốn mô hình thuyền câu không thể thiếu trong Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa
Không biết lễ thức này có từ bao giờ nhưng chắc chắn nó chỉ có khi đội Hoàng Sa gánh vác sứ mệnh lịch sử thiêng liêng trên biển đông mà Chúa Nguyễn mà sau này là nhà Nguyễn giao phó. Như những gì còn lưu lại trong sử sách và lưu truyền trên đất đảo Lý Sơn, thì người lính Hoàng Sa phải lênh đênh trên song gió trong 6 tháng ròng nhưng chỉ với chiếc thuyền câu thì số phận xem như đành gửi theo trời mây và bọt biển. Tuy biết khó có cơ may trở về nhưng con người vẫn phải hy vọng dù hy vọng rất mong manh, như để cứu vớt niềm hy vọng mong manh ấy, trước khi ra đi tộc họ và người thân bàn soạn lễ vật xanh tươi, hương đăng tỏa rạng, thầy phù thủy sẽ nặng hình nhân thế mạng bằng bột gạo hoặc bằng đất sét. Khi buổi lễ tế kết thúc người lính Hoàng Sa coi như đã chết một lần vì vậy họ có quyền tin tưởng rằng mình sẽ không còn phải chết nữa. Ngày nay vào ngày 15-16 tháng 3 âm lịch Tại Âm Linh Tự vẫn còn tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa cầu cho những linh hồn Hoàng Sa được siêu thoát nhằm tri ân những anh hùng vô danh đã vì tổ quốc hy sinh trên vùng biển đảo.