ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN ĐẢO LÝ SƠN

ĐIỀU KIỆN KINH TẾ

Kể từ khi thành lập đến nay, kinh tế của huyện tăng trưởng liên tục với tốc độ khá cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm từ 11,5 đến 12%. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế (nông, ngư, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại dich vụ) năm 2009 đạt 354.400 triệu đồng, tăng 3,8 lần so với năm 1993. Trong đó:

- Tổng giá trị thủy sản năm 2009 đạt 174.566 triệu đồng, tăng gần 7 lần so với năm 1993.

- Doanh thu ngành thương mại dịch vụ từ năm 2009 đạt 143.951 triệu đồng, tăng gấp 5,9 lần so với 1993.

- Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2009 đạt 15.556 triệu đồng, tăng gấp 3,2 lần so với 1993.

- Tổng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp năm 2009 dạt 20.327 triệu đồng, tăng gấp 4,3 lần so với năm 1993.

- Tổng thu nhập bình quân đầu người năm 1993 là 2,7 triệu đồng/người/năm đến năm 2009 tăng lên 7,8 triệu đồng/nguời/năm. Như vậy, thu nhập bình quân đầu người năm 2009 tăng gần gấp 3 lần so với năm 1993.

- Tỷ trọng các ngành kinh tế chủ yếu của huyện năm 2009 là: ngành nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 5,17%; thuơng mại dịch vụ chiếm 40,6%; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp chiếm 7,7%.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngư nghiệp, dịch vụ - thương mại, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp.

- Thu ngân sách hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 1993 đạt 347,3 triệu đồng đến năm 2009 đạt 2.201 triệu đồng tăng hơn 6 lần so với năm 1993.

  • Nông Nghiệp

- Trồng trọt: sản phẩm chủ yếu là cây hành, tỏi và ngô. Đây là 03 cây trồng chủ lực của huyện nhưng cung cấp ra thị trưởng dưới dạng hàng thô chưa qua sơ chế. Ngoài ra còn trồng một số loại rau - củ - quả - rau - đậu khác.

- Chăn nuôi: chủ yếu là bò, dê, lợn, gà, vịt nhưng chưa hình thành trang trại chăn nuôi tập trung quy mô như các huyện khác mà chủ yếu là chăn nuôi theo hình thức hộ gia đình. Số lượng gia súc, gia cầm hiện nay của huyện lên đến 6.000 con.

  • Thủy Sản

Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện quyết định thu nhập của hơn 50% cư dân của huyện, sản lượng khai thác chiếm gần 1/3 tổng sản lượng khai thác của toàn tỉnh nhưng chủ yếu tập trung lĩnh vực khai thác thủy sản nước mặn với các hình thức như: lặn, câu, lưới cước, lưới trủ, lưới ru, vây ngày, vây đêm, rút chì, chong đèn… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng đánh bắt hải sản năm 2009 đạt 24.938 tấn, tăng gấp gần 5 lần so với năm 1993.

Hiện nay, toàn huyện có 402 chiếc tàu thuyền, tổng công suất là 30.418 CV. Bình quân hằng năm đóng mới được 16 chiếc tàu thuyền. Tuy nhiên lĩnh vực nuôi trồng chưa được quan tâm đầu tư.

  • Công Nghiệp – Tiểu Thủ Công Nghiệp (TTCN)

Hiện nay, toàn huyện có 241 cơ sở sản xuất công nghiệp – TTCN, chú trọng các ngành nghề huyện có thế mạnh như: sản xuất đá lạnh, sơ chế hải sản, khai thác đá xây dựng, may mặc, mộc dân dụng, chế biến nước mắm… nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ mang tính chất hộ gia đình chủ yếu chưa có cơ sở sản xuất nào có quy mô do thiếu nguồn điện, thiếu cơ sở hạ tầng để phát huy thế mạnh của ngành.

  • Thương mại, dịch vụ

Trong những năm gần đây, kinh tế của huyện có những bước phát triển đáng kể, các hoạt động thương mại dịch vụ phát triển tương đối nhộn nhịp. Toàn huyện có 625 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân cùng hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả, góp phần đáng kể vào quá trình phát triển KT-XH của huyện đảo.

Tuy vậy, do đặc thù của huyện đảo cách xa đất liền, hoạt động thương mại chủ yếu lưu thông bằng đường thủy, nhưng vào mùa biển động đảo bị chia cắt thì việc cung ứng hàng hóa từ đất liền ra đảo và ngược lại hết sức khó khăn. Hơn nữa, hệ thống thương mại, dịch vụ của huyện hầu như chưa phát triển, chủ yếu là các chợ nhỏ và các điểm buôn bán nhỏ lẻ. Hiện nay, toàn huyện chỉ có 01 chợ huyện và 02 chợ xã chưa có Trung Tâm Thương Mại, siêu thị nên việc trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân còn gặp nhiều khó khăn.

ĐIỀU KIỆN XÃ HỘI
  • Giáo dục

 

Lý Sơn đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Hiện nay, toàn huyện có 01 trường THPT với 950 học sinh, 02 trường THCS, 04 trường tiểu học, 03 trường mầm non . Tổng số học sinh các cấp là 5.380 em, bình quân cứ 03 người dân có 01 người đi học, tỷ lệ tốt nghiệp các cấp hằng năm đạt từ 90 - 100%, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng , trung học chuyên nghiệp bình quân hằng năm đạt từ 30%. 

  • Y Tế

 

Toàn huyện có 01 Trung Tâm Y Tế và 01 Trạm Y Tế Xã. Tổng số giường bệnh là 50 giường, tổng số y Bác Sĩ là 09 người, công suất sử dụng giường bệnh đạt từ 40 – 50%. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên môn từ tuyến huyện đến tuyến xã hiện nay còn thiếu thốn, lạc hậu nên chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

  • Văn Hóa

 

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 04 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia (Đình làng An Hải, Chù Hang, Âm Linh Tự và mộ lính Hoàng sa, Đình làng An Vĩnh), 01 bằng chứng nhận lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là di tích thi vật thể Quốc gia và 06 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (Lăng cá ông, Dinh bà Thiên Y-A-NA, Dinh Tam Toà, Nhà thờ Phạm Quang Ảnh, Lăng Chánh, Nhà thờ Võ Văn Khiết). Ngoài ra ở Lý Sơn còn có các đình, miếu, dinh, chùa, giếng Vua (giếng Gia Long), các danh lam thắng cảnh khác như Hang Câu, Cổng Tò Vò, Hòn Đụn, ...

Đặc biệt, trong lòng đất Lý Sơn còn ẩn chứa nhiều di chỉ Văn Hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa đã được các nhà khảo cổ học khai quật. Ngoài ra Lý Sơn còn lưu giữ nhiều lễ hội như: Lễ cầu siêu, Lễ tế Thanh Minh,  Lễ hội đua thuyền, các trò chơi dân gian, đặc biệt là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Bên cạnh đó thì ẩm thực cũng là một trong những nét văn hóa độc đáo và đặc sắc của Lý Sơn với các loại rượu vú (hải sâm), ốc, mực, tôm, cua, cá,… Đây là những nguồn tài nguyên rất có giá trị cho việc nghiên cứu văn hóa lịch sử và phát huy tiềm năng du lịch ở Lý Sơn.

Công Nghệ Thông Tin (Internet) còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Hiện nay, trên địa bàn có 12 dịch vụ Internet tư nhân đang hoạt động và có khoảng 300 máy vi tính, các đơn vị hành chính có khoảng 200 máy, trong đó có khoảng 135 máy kết nối mạng Internet, bình quân có khoảng 3,6 cán bộ công chức/01 máy.

  • Thông tin liên lạc

Toàn huyện hiện có 3,502 thuê bao điện thoại cố định và khoảng 325 thuê bao điện thoại di động, đã phủ sóng 03 mạng điện thoại: Vinaphone, Mobiphone, Viettel.

  • Lao Động Thương Binh Xã Hội

Toàn huyện có 52 Liệt Sĩ, 38 Thương Bệnh Binh, 01 Mẹ Việt Nam Anh Hùng, 322 gia đình có công với Cách Mạng. Công tác chăm sóc gia đình Thương Binh Liệt Sĩ, gia đình có công với Cách Mạng luôn được quan tâm đúng mức.

  • Dân Cư Và Nguồn Lao Động

 

Dân Cư

Dân số toàn huyện năm 2008 có 20.344 nguời. Toàn bộ dân số của huyện sống trong khu vực nông thôn. Mật độ dân số trung bình của huyện là 2.042 người/km2. Mật độ các xã trong huyện có sự chênh lệch khá lớn, cao nhất là xã An Vĩnh 2.757 nguời/km2, An Hải 1.635 nguời/km2 và An Bình 696 người/km2. Dân cư phân bố tại các xã phân bố như sau:

+ Xã An Vĩnh có: 11.540 nguời chiếm 56,66%

+ Xã An Hải có: 8.324 nguời chiếm 40,98%

+ Xã An Bình có: 480 người chiếm 2,36%

Toàn huyện hiện có 4.746 hộ gia đình (quy mô trung bình hộ là 4,3 người/hộ), trong đó có 3.748 hộ nông -lâm -ngư nghiệp, chiếm 80%. Trong giai đoạn 2001-2005 dân số trung bình tăng 1.251 nguời với tốc độ tăng bình quân năm là 1,5%.

Nguồn Lao Động

Theo số liệu thống kê của huyện, năm 2008 lực lượng lao động của huyện là 10.944 nguời, chiếm 53,79% tổng dân số toàn huyện. Trong đó số người đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân là 9631 nguời bằng 98,7% số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động.

Nhìn chung cơ cấu lao động bắt đầu có sự chuyển dịch:

+ Lao động ngành nông – lâm – ngư nghiệp chiếm chủ yếu và giảm từ 85,6% năm 2000 xuống 80,06% năm 2005, đến năm 2008 còn 77,96%, dự báo đến năm 2010 giảm xuống còn 76,46%.

+ Lao động trong ngành công nghiệp – xây dựng chiếm một phần rất nhỏ và biến động không đều: năm 2000 chiếm 9,2%, đến năm 2005 giảm xuống còn 6,75% và tăng lên 7,3% vào năm 2008, dự báo đến năm 2010 chiếm khoảng 8,82% tổng số lao động trong các ngành kinh tế quốc dân của toàn huyện.

+ Lao động dịch vụ tăng tương đối nhanh từ 5,18% năm 2000 lên 13,19% năm 2005 và đạt 14,69% năm 2008, dự báo đến năm 2010 lao động trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 14,71% tổng số trong các ngành kinh tế quốc dân của huyện.

Đây là một yếu tố thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện bởi vấn đề lao động tại chỗ cơ bản được giải quyết. Bình quân hàng năm huyện giải quyết 200 việc làm mới cho lao động và giải quyết việc làm ổn định cho 1729 lao động. Tuy nhiên, chất lượng lao động cũng là vấn đề lớn đặt ra với huyện khi hiện tại có 87,3% số lao động là lao động phổ thông chưa qua đào tạo và chủ yếu lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.