ban toi ly son 1
Bà Nguyễn Thị Hoa cho biết, tỏi rao bán thậm chí không có người tới mua

Chợ Lý Sơn lúc 6 giờ sáng. Đảo “thức giấc” sớm trong ánh bình minh ló dạng từ mặt biển xanh phơn phớt màu vàng. Khắp đảo vang lên tiếng xe máy chở tỏi và hành xuống chợ. Người nông dân canh tác và tích trữ tỏi trong nhà quanh năm, khi cần thì chở vài bao ra chợ bán lấy tiền chi tiêu. Mỗi ngày chợ Lý Sơn diễn ra giao dịch khoảng vài tấn tỏi, nhưng vào mùa này, số lượng tỏi mang đến chợ chưa tới 1 tấn, không khí mua bán ảm đạm.

Lướt qua khuôn mặt của những người nông dân, trông ai cũng nhang nhác buồn. Giá tỏi Lý Sơn lên đỉnh nhất là 140 nghìn đồng/kg, nhưng nay đã tụt xuống chỉ còn 20 – 30 nghìn đồng/kg. Giá tỏi như chiếc neo giật mất nụ cười trên khuôn mặt nông dân, để lại trong lòng họ cảm giác nặng nề như hòn đá tảng. Một tiểu thương lớn tuổi giật nhẹ tay áo của một chị phụ nữ và nói: “Giá đó bán đi, không bán thì chục ngày nữa là tỏi nhảy mộng, phải đem đổ hết”.

ban toi ly son 2
Tỏi Lý Sơn là thương hiệu từng được khách hàng ưa chuộng.

Đảo Lý Sơn từng đường mệnh danh “vương quốc tỏi”. Tỏi được trồng trên đất nham thạch núi lửa và cát biển trộn lẫn sò ốc nên đã tạo cho tỏi Lý Sơn có vị thơm, cay dịu, ngọt nồng mà tỏi nơi khác không thể sánh bằng. Thường ngày, các loại tỏi được bán với giá 25 nghìn đồng/kg thì tỏi Lý Sơn là 85 nghìn đồng/kg trở lên. Giá cả chênh lệch đã nói lên ngôi vị số 1 của tỏi Lý Sơn trước đây.

Trèo lên ngọn núi Thới Lới, điểm gần cột cờ Lý Sơn nhìn xuống toàn cảnh đảo. Những ruộng tỏi như bàn cờ xanh ngắt chia thành nhiều ô nhỏ. Trên những ruộng tỏi là bóng dáng người nông dân đang cặm cụi nhổ cỏ. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Lý Sơn, địa phương có 3.884 hộ sản xuất nông nghiệp với 326,5ha đất sản xuất hành tỏi, sản lượng tỏi ước tính 2.000 tấn/năm. Những năm giá tỏi lên cao, bà con nông dân tích trữ 3 tấn tỏi, bán ra kiếm được hơn nửa tỷ đồng. Nếu tính năng suất cây nông nghiệp trồng trên cùng một diện tích thì tỏi quả là vàng trắng.

Vì sao giá tụt giảm, trong khi tỏi Lý Sơn thuộc dạng hàng hiếm? Nhiều người cho biết, có thể do tỏi nơi khác bị một số tiểu thương chở ra Lý Sơn trộn vào tỏi bản địa để bán cho khách. Tháng 3.2018, Trạm kiểm soát biên phòng đã bắt 1 tấn tỏi Ninh Hiển chở ra đảo Lý Sơn. Bản tin này nếu lướt qua thì nghe đơn giản, nhưng thực chất là cú sét làm tan hoang thương hiệu tỏi Lý Sơn, làm rạn nứt niềm tin của người tiêu dùng.

Trong các loại tỏi có “củ tỏi một” (còn gọi tỏi một tép, tỏi cô đơn) được coi như tỏi thần thánh. Loại tỏi này mua ở các nơi trồng trong đất liền chỉ có giá 400 nghìn đồng/kg, nhưng nếu loại tỏi này ở Lý Sơn bán với giá 1,6 triệu/kg. Có lẽ cũng vì thế mà trong 1 tấn tỏi Ninh Hiển chở ra đảo Lý Sơn bị bắt giữ phát hiện có đến gần 1 tạ “củ tỏi một”.

Vài năm trước, cụm từ “tỏi Ninh Hiển” được nhiều người dân ở đảo nói thì thầm, xem như là điều gì đó cấm kỵ hoặc nhạy cảm. Nhưng tới thời điểm hiện nay, một số người dân buôn bán tại khu vực cầu cảng nói thẳng “chứ em lấy hàng Lý Sơn hay hàng Ninh Hiển”. Trước đây là pha trộn 2 loại tỏi và làm ăn gian dối, còn hiện nay là bán công khai loại tỏi vốn là đối thủ hạng nặng của tỏi Lý Sơn. Tỏi Ninh Hiển giá chỉ 20 nghìn đồng/kg nhưng hạ “knock – out” tỏi Lý Sơn, vì bề ngoài giống hệt, ngay cả người dân đảo Lý Sơn cũng khó lòng phân biệt thật – giả.

Đi dạo vòng quanh đảo, hỏi giá tỏi Lý Sơn tại cầu cảng được rao bán 35 nghìn đồng/kg, tỏi ngon tại chợ bán giá 25 – 30 nghìn đồng/kg, có loại chỉ 20 nghìn đồng. Bà Nguyễn Thị Hoa đổ một rổ tỏi và nhìn ra cánh đồng xanh trước mặt, nói: “Tỏi đẹp, đúng tỏi Lý Sơn, rao bán hạ giá nhưng không có người tới hỏi mua để lấy tiền mua sắm đồ tết”.

Văn Chương