13/05/2020 - 08:36 AM - 241 lượt xem
Lý Sơn là hòn đảo được hình thành do quá trình hoạt động núi lửa và sự bồi đắp của cát biển, đá san hô biển tạo nên cách đây hàng triệu năm. Phần lớn diện tích ruộng canh tác nông nghiệp trên đảo Lý Sơn được khai phá và cải tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp từ hơn 400 năm trước. Quá trình cải tạo ruộng, bồi đắp, san nền đất, tạo mặt bằng sản xuất đã dần dần dịch chuyển đáp ứng yêu cầu sinh thái của cây tỏi Lý Sơn. Cùng với đó là các kỹ thuật canh tác nông nghiệp, kỹ thuật làm đất, cải tạo ruộng trồng tỏi phù hợp với điều kiện khí hậu khô hạn của đảo Lý Sơn đã được người nông dân trên đảo đúc kết, hình thành tri thức nông nghiệp bản địa đặc thù của nơi này. Người dân Lý Sơn đã đúc kết kinh nghiệm lựa chọn mùa vụ và tiến hành che phủ mặt ruộng tỏi bằng cát san hô để giảm bốc hơi nước, ổn định độ ẩm đất phù hợp, bảo vệ bộ rễ của cây tỏi. Địa hình, nền ruộng được cải tạo phù hợp, bờ ruộng được xây dựng vững chắc bằng vật liệu tại chỗ tránh xói mòn làm hư mặt ruộng. Xây dựng ruộng trồng với bề mặt bằng phẳng (độ dốc < 8 độ), bờ ruộng vững chắc đảm bảo các yêu cầu không bị xói mòn, hỏng mặt ruộng, khả năng tiêu thoát nước nhanh, không bị ngập úng, chủ động về phương án cấp nước, tưới nước cho ruộng tỏi phù hợp với nhu cầu nước của từng thời kỳ sinh trưởng. Vật liệu xây dựng bờ ruộng được lựa chọn là vật liệu phù hợp có nguồn gốc tại chỗ và hàng rào bảo vệ, chắn gió cho ruộng tỏi sử dụng các loài thực vật bản địa có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của đảo Lý Sơn, có khả năng chống chịu đối với gió lớn và hơi muối biển hoặc sử dụng lưới chắn gió gắn với các cọc vững chắc bố trí hợp lý quanh bờ ruộng.
Cường độ nắng nhiều, khí hậu đặc trưng của đảo bé, nhỏ hẹp, gió lớn liên tục, lượng nước bốc hơi lớn, lượng mưa ít, do đó, để duy trì sự sinh trưởng, phát triển bình thường của cây tỏi trên đảo Lý Sơn thì yêu cầu kỹ thuật canh tác phải chú trọng đến việc duy trì độ ẩm của đất. Các kỹ thuật giữ ẩm luôn được người trồng tỏi Lý Sơn lưu tâm,việc xây dựng bờ đá vững chắc chắn giữa các dải địa hình bậc thang, kiến tạo bề mặt ruộng bằng phẳng, góp phần hạn chế thất thoát nước, hạn chế xói mòn rửa trôi lớp đất canh tác trên bề mặt ruộng, phá hỏng nền ruộng khi mưa. Từ một hòn đảo với nền địa hình nguyên thủy bề mặt nhấp nhô, thành tạo từ các miệng núi lửa cổ, nhiều khu vực là các cánh đồng đá. Trải qua thời gian khai phá đất đai, cải tạo mặt ruộng hằng trăm năm, tích lũy kinh nghiệm sản xuất nhiều thế hệ, người nông dân trên đảo Lý Sơn đã tạo lập được những dải đất canh tác, với các ô ruộng bằng phẳng cùng độ cao, nằm uốn lượn theo đai cao địa hình quanh các miệng núi lửa cổ. Các dải ruộng trồng tỏi nhỏ hẹp, cao thấp xen kẽ nhau, nhưng mỗi một ô đều bằng phẳng, địa hình tổng thể của các cánh đồng tỏi trên đảo Lý Sơn có xu hướng uốn lượn bậc thang thấp dần từ giữa đảo ra rìa mép đảo, thuận lợi cho việc tiêu thoát nước, chân ruộng không bị ngập úng, gây hư tổn đến bộ rễ yếu, mọc nông của cây tỏi. Vấn đề kỹ thuật trên thể hiện kinh nghiệm tri thức bản địa của người dân Lý Sơn trong việc xây dựng chân ruộng đáp ứng yêu cầu sinh thái của cây tỏi, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai trên đảo.
Ruộng trồng hành tỏi Lý Sơn
Ruộng trồng hành tỏi Ninh Hải
Hình ảnh ruộng tỏi ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và vùng so sánh huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận
Chế độ gió có tác động đáng kể với kỹ thuật canh tác tỏi, do gió làm tăng khả năng bốc hơi nước từ bề mặt, làm giảm nhanh độ ẩm trong đất, tác động trực tiếp đến chế độ cung cấp nước và gây hư hại bộ rễ của cây tỏi. Bên cạnh đó gió có tác động trực tiếp đến sự phát triển của cây tỏi, nhất là giai đoạn tỏi còn non bộ rễ yếu, những vùng trồng có gió lớn nếu không có kỹ thuật che chắn gió phù hợp, cây tỏi bị ngã, đổ hoặc bị lay gốc mạnh đến đứt rễ hoặc làm tổn thương bộ dễ, dập nát thân, lá non. Gió mạnh sẽ làm cây tỏi thiếu nước phát triển còi cọc và thậm chí có thể chết do bị tổn thương. Các đảo nhỏ, hứng gió, tần suất gió lớn như đảo Lý Sơn, thì việc làm hàng rào chắn gió, trồng cây chắn gió xung quanh ruộng nhằm chống lại những tác động bất lợi của gió lớn đối với cây tỏi là thực sự cần thiết. Người dân đã lựa chọn những loài thực vật bản địa có khả năng chống chịu tốt để trồng quanh ruộng, nơi đầu hướng gió với mục đích cản chắn gió cho ruộng tỏi. Hàng rào chắn gió còn có các tác động có lợi khác như thay đổi môi trường vi khí hậu của các lô liền kề, có tác dụng như công cụ bảo vệ chống lại hơi mặn do gió thổi từ biển vào tác động trực tiếp lên cây tỏi, chống xói mòn, bay lớp cát phủ bề mặt. Các loài thực vật bản địa có khả năng thích nghi cao với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của Lý Sơn được lựa chọn làm hàng rào cây xanh che chắn gió lớn, chắn hơi mặn từ gió biển ảnh hưởng đến ruộng tỏi. Làm hàng rào bảo vệ, chắn gió cho ruộng tỏi: Hàng rào giúp tránh các tác hại của gió đến ruộng tỏi như: gió lớn lay gốc làm tổn thương bộ rễ, làm đổ cây con, làm bay lớp cát phủ bề mặt ruộng, làm tăng thoát hơi nước đẫn đến giảm độ ẩm trong đất đột ngột không đảm bảo yêu cầu duy trì độ ẩm đất thích hợp cho cây tỏi phát triển trong từng thời kỳ sinh trưởng, che chắn tác động trực tiếp của hơi muối biển đến cây tỏi trong quá trình sinh trưởng. Người nông dân Lý Sơn ví những hàng rào bao bọc xung quanh những ruộng tỏi như những “tấm áo” bảo vệ cho cây tỏi trước những điều kiện khí hậu trên đảo.Tuy nhiên, gió lớn làm mất hơi nước bề mặt, lớp biểu bì của lá, thân, rễ và củ bị mất nước nhiều sẽ bị đanh sắt lại, hình thành củ nhỏ là đặc thù của tỏi Lý Sơn.
Hình ảnh ruộng tỏi ở đảo Lý Sơn với các loại hàng rào chắn gió