1. Kỹ thuật làm đất

  • Đất trồng tỏi sau khi đầm chặt có độ dày từ 01đến 02cm, thành phần gồm có đất bazan (Fk, Rk) ở Lý Sơn + toàn bộ lượng phân bón lót.
  • Đất trồng tỏi có thể được chuẩn bị theo phương pháp canh tác truyền thống, có thể được cải tiến hoặc được bổ sung phân hữu cơ đảm bảo tơi xốp, giàu mùn.
  • Che phủ bề mặt ruộng: bằng lớp cát san hô dày từ 02 đến 03cm. Cát san hô phải đảm bảo vệ sinh sạch mầm bệnh hoặc đảm bảo duy trì đặc điểm hóa lý đáp ứng yêu cầu sản xuất.

    Hình ảnh phẫu diện đất ở ruộng tỏi với dấu vết bổ sung các lớp đất trồng ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

2. Bón phân

- Lượng phân bón (cho 1ha): Phân hữu cơ (phân chuồng, rong biển, xác thực vật): 10 tấn/ha + 500 kg Urê + 200 kg super lân + 400 kg kali + 300 kg NPK.

- Bón lót: Toàn bộ phân hữu cơ giàu mùn và phân lân + 60 kg Urê + 100kg kali.

- Bón thúc 6 lần như sau:

  • Sau trồng 15-20 ngày, 60 kg Urê + 60kg NPK.
  • Sau trồng 22-25 ngày, 70kg Urê + 80kg NPK + 40 kg kali.
  • Sau trồng 35-40 ngày, 80kg Urê + 70 kg NPK + 60kg kali.
  • Sau trồng 48-50 ngày, 100kg Urê + 90kg NPK.
  • Sau trồng 58-60 ngày, 70kg Urê + 100kg Kali.
  • Sau trồng 72-75 ngày, 60kg Urê + 100kg Kali.

- Có thể sử dụng các loại phân hữu cơ, phân vi sinh, phân bón qua lá, phân vi lượng.

- Bón phân khi đất đủ ẩm, bón vào chiều mát, không nên bón phân khi nhiệt độ thấp, mưa lớn.

- Khi củ phình to không bón thừa đạm, cây dễ bị nhiễm bệnh, kéo dài thời gian sinh trưởng (củ chậm chín) và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

3. Chăm sóc

- Trồng dặm: Sau khi trồng từ 8 đến 10 ngày tiến hành kiểm tra và trồng dặm.

- Tưới nước: Áp dụng phương pháp tưới phun tự động. Lượng nước tưới trong các thời kỳ phát triển của cây tỏi như sau:

  • Giai đoạn phát triển thân lá cần tưới đủ ẩm từ 70 đến 80%.
  • Giai đoạn củ lớn cần độ ẩm từ 50 đến 60%, giảm lượng nước tưới tránh tưới dư thừa nước cây dễ nhiễm bệnh, sản phẩm củ có chất lượng không đảm bảo và ảnh hưởng đến bảo quản.
- Tiêu nước: Chân ruộng đất ướt nên có hệ thống tiêu nước, chân ruộng bị ngập nước lâu sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ của cây.
- Xới xáo và làm cỏ: sau khi cây mọc, nếu gặp mưa lớn kéo dài nên xới xáo để tạo đất thông thoáng giúp rễ phát triển tốt; khi cây tỏi còn non độ che phủ thấp, nên sau khi bón phân lần 1, lần 2 cần xới xáo để lấp phân; thường xuyên nhổ cỏ dại.

4. Phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng

- Phòng trừ sâu hại cây tỏi:Đối với các loại sâu bệnh thường gặp như: sâu xanh da láng, sâu khoang, bọ xít, cần sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật trong danh mục, đúng bệnh, đúng liều lượng và đáp ứng yêu cầu an toàn.

- Phòng trừ bệnh hại cây tỏi:

  • Các bệnh sương mai, thối rễ, gây vàng lá, cây không phát triển và chết, bệnh thối đen gây hại đối với sản phẩm trong quá trình bảo quản. Cần phun thuốc phòng trừ, thuốc chữa kịp thời các loại hóa chấtbảo vệ thực vật trong danh mục, đúng  bệnh, đúng liều lượng và đáp ứng yêu cầu an toàn bảo vệ thực vật và môi trường.
  • Bệnh sương mai: Tưới nước rửa sương trên cây hoặc rắc tro bếp cho tỏi vào những ngày có sương.
  • Bệnh thối đen gây hại lúc bảo quản: Lưu ý trước khi thu hoạch phòng, trừ nhện nhỏ, bảo quản những nơi thoáng, hạn chế ẩm độ vào mùa đông.
  • Áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, thường xuyên theo dõi đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh và phun thuốc khi sâu non mới nở, bệnh chớm xuất hiện. Phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát; ngưng phun thuốc trước khi thu hoạch từ 7 đến 12 ngày.